Lời đề nghị gây SHOCK nhất vào mỗi mùa tuyển dụng mà đội ngũ cố vấn hướng nghiệp CPI thường gặp:
"Em vừa mới tốt nghiệp và còn 2-3 tháng nữa OPT của em sẽ kết thúc. Anh chị có thể giúp em giới thiệu đến những người trong ngành để xin việc được không? Đây là resume (CV) của em. Anh chị cố giúp em với, em được anh/chị abc/ bố/ mẹ anh/chị... giới thiệu..."
Đối với những du học sinh đã có kinh nghiệm thực tập tốt, chất lượng cao, chúng tôi rất vui lòng giúp đỡ các em kết nối vào mạng lưới chuyên gia của CPI để tăng khả năng giới thiệu việc làm cho các em. Tuy nhiên, hầu như những em hỏi những câu như trên lại rơi vào nhóm: “Nước đến chân mới nhảy" hoặc hồ sơ không đạt chuẩn. Cảm giác của chúng tôi khi nhận được những lời đề nghị như vậy của các em du học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ không phải là sợ hãi, mà là ĐÁNG TIẾC! Chúng tôi thực sự nghĩ nếu các em hỏi chúng tôi sớm hơn khoảng 1 - 2 năm, có lẽ câu trả lời đã có nhiều điểm tích cực hơn. Chúng tôi đã có thể cân nhắc "nâng bước" các em có năng lực tiến gần đến cánh cửa tuyển dụng của các công ty. Thậm chí nếu được hỗ trợ sớm hơn từ những năm đầu đại học, khả năng cánh cửa cơ hội gia nhập các tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ mở ra cho các em là hoàn toàn có thể.
THÁCH THỨC LÀ CÓ THẬT:
1. Đúng người, sai thời điểm
Qua gần 10 năm học tập và làm việc tại Mỹ, chúng tôi gặp không ít trường hợp rất đáng tiếc của du học sinh Việt Nam khi chọn hướng đi chưa đúng hoặc thiếu thông tin về chuyên ngành mình lựa chọn. Có những trường hợp nhiều em học ngành Đầu tư tài chính (Investment Banking) khá thông minh, đã có ý thức xin được 1-2 thực tập trước khi tốt nghiệp, nhưng lại làm cho các công ty nhỏ (boutique firm), không có khả năng bảo trợ visa hoặc chương trình thực tập không mang tính cạnh tranh mà do mối quan hệ của trường kết nối (qua chương trình co-op), không phải là thực tập hè các em tự ứng tuyển bên ngoài mà có được. Vì thế kinh nghiệm của các em chưa được nhà tuyển dụng có khả năng bảo trợ visa H1B đánh giá cao so với mặt bằng chung, đặc biệt trong những ngành cạnh tranh cao như Tài chính. Hơn nữa, trong thời điểm hiện tại - khi thị trường tài chính Mỹ và thế giới đang diễn ra với nhiều biến động và có nhiều thay đổi trong ngành so với những năm trước đây, tỉ lệ cạnh tranh về chất lượng kinh nghiệm và mạng lưới quan hệ lại càng khốc liệt.
Lý do lớn nhất dẫn đến tình trạng có chuẩn bị mà vẫn không thành công, không chỉ trong ngành tài chính mà còn ở tất cả các ngành có tính cạnh tranh cao khác chính là: Các em có lẽ bắt đầu "dấn thân" tìm hiểu muộn, thiếu thông tin hoặc đi sai đường. Chúng tôi thường liệt kê các em có tố chất, có ý thức chuẩn bị này vào nhóm: "Đúng Người. Sai Thời Điểm" - những em mà chúng tôi chỉ có thể động viên với lựa chọn đầu tư thêm tiền của, công sức để mua thêm thời gian, lấy lại cơ hội cho chính mình qua các chương trình master, nếu các em có điều kiện, hoặc lựa chọn con đường khác như về Việt Nam hoặc xin việc tại các công ty ở các nước phát triển khác ít cạnh tranh hơn.
2. Khi mình cần, mình mới hỏi
Theo thống kê, 80 - 85% ứng viên xin được việc tại Mỹ là qua giới thiệu từ những mối quan hệ với nhân viên trong ngành. Theo báo cáo gần đây của Linked-in, cứ 3 mối quan hệ là có thể giúp một sinh viên xin được việc khi mới ra trường. Tuy nhiên, không vì thế mà các em du học sinh Việt Nam sử dụng “vũ khí lợi hại" này một cách bừa bãi, gây ra phản tác dụng.
Khi đề nghị một ai đó giúp đỡ “giới thiệu hay kết nối" mình với mạng lưới tuyển dụng hoặc mạng lưới chuyên ngành với lý do tìm việc, các em sinh viên nên tránh tình trạng: KHI MÌNH CẦN MÌNH MỚI HỎI. Sẽ có rất ít những ai không thực sự biết các em từ trước mà có thời gian hay đủ lý do để hết mình với các em trường hợp nhờ vả như thế này. Tại sao họ lại phải giúp các em? Nếu chất lượng làm việc của các em không tốt sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các mối quan hệ của họ trong tương lai. Vì vậy, nếu họ không chắc chắn về thực lực của các em, không ai dám giới thiệu hồ sơ xin việc của các em cả.
Tóm lại, hãy cố gắng xây dựng những mối quan hệ chuyên ngành từ trước, có tính lâu dài và 2 chiều, có cho - có nhận, “authentic” nhất để có thể nằm trong 80 - 85% số người may mắn được giới thiệu vào các mạng lưới tuyển dụng nêu trên.
3. Hồ sơ không nổi bật trong môi trường cạnh tranh khốc liệt
Nói đến đây có lẽ, điều CPI mong mỏi nhất và cũng để chuẩn bị cho mùa Khai Giảng sắp tới của hàng chục ngàn du học sinh Việt Nam tại Mỹ là: Các em hãy luôn luôn phải nhận thức và ghi nhớ vị trí và yếu thế của một du học sinh quốc tế. Mỹ là một môi trường có quá nhiều gia đình tài chính mạnh để đưa con ra nước người du học - có nghĩa là đầu ra hàng năm sẽ là hàng trăm ngàn những ứng viên như các em, chưa kể các ứng viên người Mỹ. Thậm chí các em còn cần phải nổi bật hơn nhiều so với các ứng viên người Mỹ để nhận được bảo trợ visa làm việc H1B hay thẻ xanh để được tiếp tục công việc tại Mỹ lâu dài. Vì thế dù làm gì, mục tiêu của các em khi học tập, đi xin thực tập hay tìm việc nên tập trung vào việc: Chuẩn bị bộ hồ sơ kinh nghiệm mang tính TỎA SÁNG nhất có thể! Theo ý kiến từ các chuyên gia cố vấn của học viện hướng nghiệp CPI, điều đó có nghĩa các em phải nắm được 3 điều cơ bản cần có sau:
1. Kỹ năng làm việc chuyên nghiệp và kỹ năng chuyên ngành cơ bản
2. Thành thạo các kỳ phỏng vấn và cách xây dựng hồ sơ chuẩn quốc tế
3. Đã xây dựng được “mạng lưới hỗ trợ xin việc” từ trước năm cuối 1-2 năm, thậm chí từ những năm đầu tiên đại học để dự bị cho quyết định chuyển ngành, học thêm kỹ năng khi cảm thấy lựa chọn ngành ban đầu chưa thực sự phù hợp, hoặc tối ưu hóa cơ hội đầu ra
Có như vậy, tấm vé vào các tập đoàn hàng đầu Hoa Kỳ - nơi các em du học sinh Việt Nam sẽ được trải nghiệm những kiến thức và cơ hội thăng tiến tốt cho con đường sự nghiệp dài hạn, lương cao, bảo trợ visa dễ dàng mới chắc chắn nằm trong tầm tay. Dù sau này các em lựa chọn làm việc ở đâu, những năm đầu chập chững làm quen và tôi luyện trong môi trường chuẩn quốc tế sẽ là bệ phóng tuyệt vời cho sự nghiệp của các em sau này. Đây cũng là điều mà các cố vấn hướng nghiệp CPI khuyên các em du học sinh nên cân nhắc.
- Cố vấn hướng nghiệp CPI
Kommentare